Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục diễn biến phân hóa trong ngày hôm qua. Lực bán có phần chiếm ưu thế khiến chỉ số MXV- Index giảm nhẹ ngày thứ hai liên tiếp xuống 2.440 điểm.
Lực bán vẫn đến từ thị trường năng lượng với mức giảm sâu gần 6% của khí tự nhiên. Trong khi đó, 3 nhóm mặt hàng còn lại đều duy trì được đà tăng nhẹ. Dòng tiền đầu tư đến thị trường cũng dần ổn định trở lại sau các đợt nghỉ lễ dài. Đóng cửa hôm qua, giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng 17,5% so với ngày trước đó.
Lo ngại về suy thoái thúc đẩy lực mua kim loại quý
Thị trường kim loại kết thúc phiên giao dịch ngày 25/1 với diễn biến khá giằng co. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng phiên thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,81% lên 23,94 USD/ounce, nhưng vẫn nằm trong xu hướng đi ngang. Trái lại, giá bạch kim giảm khá mạnh 1,94% xuống 1046,1 USD/ounce.
Lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh chi phí vay tăng cao, khiến dòng tiền thận trọng hơn ở các thị trường rủi ro như chứng khoán, và dần phân bổ vào tài sản mang tính trú ẩn như kim loại quý.
Kết quả kinh doanh của hàng loạt công ty trong quý cuối năm 2022 đang cho thấy gam màu khá ảm đạm. Trong số 95 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo thu nhập, chỉ có 67% đơn vị đánh bại các ước tính đồng thuận, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 76% trong 4 quý vừa qua.
Các nhà phân tích hiện nhận thấy tổng thu nhập của S&P 500 giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi mức giảm 1,6% được ghi nhận vào đầu năm 2022.
Các nhà đầu tư thận trọng trên thị trường rủi ro, trong khi đồng Dollar Mỹ yếu hơn và mức lợi suất trái phiếu giảm cũng khiến cho vàng và bạc, hai tài sản trú ẩn vượt trội so với bạch kim, trở nên hấp dẫn hơn, thúc đẩy lực mua trong phiên. Trong khi đó, với vai trò công nghiệp chiếm ưu thế hơn, báo cáo thu nhập kém sắc từ các công ty, cùng nỗi lo suy thoái đã gây áp lực tới giá bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, sự thiếu vắng các tin tức cơ bản từ nhà tiêu thụ kim loại số 1 trên thế giới Trung Quốc khi kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán chưa kết thúc, khiến đồng COMEX dao động đi ngang trong biên độ hẹp. Kết phiên, giá đồng COMEX giảm không đáng kể 0,09% xuống 4,24 USD/pound.
Theo các chuyên gia phân tích từ Reuters, mặc dù nhu cầu tại Trung Quốc có thể tăng trong những tháng tới, song tiêu thụ có thể vẫn sẽ yếu trong một giai đoạn trong và sau dịp Tết. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng lớn trong kho dự trữ kim loại tại Trung Quốc và gây áp lực tới giá trong ngắn hạn. Hiện tại, tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021, đạt mức hơn 87.000 tấn.
Tuy nhiên, về dài hạn, xu hướng phục hồi mạnh mẽ nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn, nhất là khi nguồn cung còn đối diện với các rủi ro. Các cuộc biểu tình xã hội tại quốc gia sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới Peru đang làm gia tăng lo ngại gián đoạn nguồn cung trong thời gian tới.
Tương tự như đồng, quặng sắt cũng thiếu động lực tăng giá do nhu cầu tạm chững lại tại Trung Quốc, giảm không đáng kể 0,07% xuống 125,58 USD/tấn trong phiên hôm qua. Các nhà máy thép tạm ngừng hoạt động khiến nhu cầu quặng sắt yếu hơn, gây áp lực đến giá.
Cà phê Arabica tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/1, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi Arabica nối tiếp đà giảm khi Dollar Index tiếp tục giảm sâu.
Arabica nối dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,63%, giúp giá chạm mức cao nhất trong gần 3 tuần. Dollar Index tiếp tục suy yếu đã kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm, điều này đã phần nào hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil do thu về được ít ngoại tệ hơn. Đây cũng chính là lý do làm hạn chế lực bán trên thị trường và hỗ trợ giá Arabica nối dài đà tăng trong phiên hôm qua.
Theo sau là Robusta với mức tăng nhẹ hơn 1 chút là 1,39%. Nguyên nhân cho sự khởi sắc trên là việc tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE UK và lực bán từ phía nông dân Việt Nam đang ở mức thấp do người dân nghỉ lễ Tết Nguyên đán, đặc biệt khi ở thời điểm hiện tại Việt Nam đang là nước cung ứng chính. Đây chính là yếu tố hỗ trợ đà tăng giá của mặt hàng này trong phiên hôm qua.
Đường 11 tiếp tục khởi sắc khi hấp thụ thông tin Brazil tăng giá xăng. Theo đó, Petrobras, tập đoàn xăng dầu lớn nhất Brazil đã quyết định tăng giá xăng tại quốc gia này, điều này đã phần nào khuyến khích các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol do nhu cầu có thể gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung đường sẽ bị hạn chế, kết hợp với lo ngại chính phủ Ấn Độ sẽ không ban hành thêm hạn ngạch đường xuất khẩu, khiến giá mặt hàng này tăng hơn 1% trong phiên hôm qua.
Cũng chung xu hướng tăng với phần đa các mặt hàng trong nhóm, giá bông ghi nhận sự khởi sắc với mức tăng 0,49% trong phiên hôm qua. Dollar Index tiếp tục giảm khiến giá bông Mỹ rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó kích thích lực mua trên thị trường và hỗ trợ giá.
Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ thô giảm mạnh hơn 3% ngay phiên đầu tiên giao dịch trở lại sau dịp nghỉ lễ. Xuất khẩu giảm đang là nguyên nhân chính hỗ trợ giá mặt hàng này. Theo công ty giám định độc lập AmSpec Agri Malaysia, xuất khẩu dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 1/2023 của Malaysia đã giảm gần 33% so với cùng kỳ tháng 12/2022 và lực giảm mạnh hơn, lên tới gần 35% được báo cáo bởi nhà khảo sát Intertek Testing Services.
Cà phê nội địa tăng mạnh 500 đồng/kg
Mặc dù cả nước vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên giá cà phê trong nước vẫn đang duy trì đà tăng ổn định.
Ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng khá mạnh 500 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê trong nước được thu mua ở khoảng 41.100 – 41.700 đồng/kg.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)