Ða mang, “siêu ngón”!
Quen biết đã lâu, ông Nguyễn Văn Mỹ- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt vẫn đem lại cho giới báo chí hết thú vị này tới bất ngờ khác. Là chủ doanh nghiệp đồng thời là giảng viên khoa Du lịch cho một số trường đại học, ông vẫn giản dị đi xe đạp, hòa đồng với mọi người xung quanh mọi lúc, mọi nơi. Có dịp trải nghiệm thực tế với ông là điều may mắn với hầu hết phóng viên, dù già hay trẻ.
Bằng vốn sống dày dặn, lịch lãm, kỹ năng sinh tồn điêu luyện, nền tảng văn hóa vững vàng, nhiệt tình đầy ắp, am tường nhiều ngóc ngách ẩm thực, chuyến đi nào ông cũng đích thân thuyết minh tới khản cổ, và hào phóng tiết lộ nhiều “bí kíp” quý giá, chi tiết độc lạ cho các phóng viên. Nhỏ hơn ông một-hai chục tuổi, chúng tôi vẫn thua xa chàng trai qua tuổi sáu mươi từ lâu này về khả năng leo trèo, bơi lặn. Ðợt famtrip lịch trình dày đặc mới đây về Ðồng Nai, Bình Thuận, trong lúc tôi mệt nhoài, kiếm cớ ngồi ì lại một quán cà phê mát mẻ, thì ông vẫn cùng cánh trẻ tiếp tục cuốc bộ thêm cả cây số, đu dây xuống tận chân thác 9 tầng. Vài hôm sau, ông dẫn link vào hộp thư zalo, khoe phóng sự ảnh hấp dẫn về Hồ và thác ở Ða Mi, khiến cả nhóm phục lăn.
Với sự từng trải của một chuyên gia du lịch đã đến vài chục quốc gia lại ham học hỏi tìm tòi, say mê viết lách, mỗi sản phẩm báo chí của ông đều có độ tin cậy và hấp dẫn riêng. Chính vì vậy, bộ sách “Ngày đàng sàng khôn” của tác giả Nguyễn Văn Mỹ in năm 2014 được tái bản, trở thành sách “gối đầu giường” cho nhiều du khách. Hơn 800 trang, gần 130 bài trong tập I “Dọc đường đất nước” và tập II “Thế giới lạ mà quen” ghi chép tỉ mỉ hành trình lãng du khắp chốn của ông đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho cả vạn độc giả.
Hỏi ông tổ chức famtrip cho báo chí từ bao giờ? Ông Mỹ kể: Tôi tập viết báo từ năm 1977, tới nay vẫn đang cộng tác với gần chục tờ báo. Khi mới thành lập Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt vào năm 1995, tôi mời báo chí cùng trải nghiệm thực tế để viết bài quảng bá cho du lịch Việt Nam và lan tỏa các phong trào thiện nguyện. Phóng viên đi với Lửa Việt phải phụ góp thêm để làm từ thiện, trả tiền dịch vụ cho dân. Nguyên tắc tổ chức famtrip của tôi là đi trước khảo sát kỹ lưỡng, lên chương trình sao cho ít tốn kém mà hào hứng, “đi càng cực, viết càng sướng” vì toàn chỗ mới lạ, chưa ai viết. Lãnh đạo các địa phương rất hoan nghênh vì được quảng bá hiệu quả, mà tiết kiệm ngân sách.
Ông Mỹ vào vai shipper giao gạo
Khiêm tốn tự nhận chỉ là cây bút nghiệp dư, nhưng sau mỗi chuyến đi dăm bảy ngày, lắm khi phóng viên mới viết được một, hai bài thì ông Mỹ đã kịp dăm ba lần lên sóng. Ông trả lời phỏng vấn các báo đài, hoặc tự viết với các bút danh khác nhau. Nể tốc độ tư duy và gõ phím siêu nhanh này, càng nể khi tính ra số bài ông viết đã đăng có thể in thành tổng tập 12 cuốn, mỗi cuốn 300 trang, nhóm nhà báo chuyên nghiệp chúng tôi nhất trí khen ông có đôi tay “siêu ngón”.
Nỗi niềm shipper
Tháng 9/2020, ông Mỹ có hàng chục bài đăng trên các báo, cũng là tháng ông vào nghề giao hàng (shipper). Thấy ông gầy gò chạy xe máy chất đầy bao to bao nhỏ, giao gạo tới từng nhà, nhiều người sửng sốt xúm vào hỏi. Ông vui vẻ giải thích: Vợ tôi cùng nghề, nghỉ việc lãnh trợ cấp thất nghiệp, bèn nghĩ ra chuyện bán gạo, mặt hàng thiết yếu. Nhờ mối quan hệ thân thiết, chúng tôi có được nguồn gạo ST25 ngon nhất thế giới, niềm tự hào của nông sản Việt.
“Càng đi nhiều, thấy nhiều, tôi càng thương dân nghèo. Tôi viết bằng cả tâm huyết, bằng cả niềm tin là mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn nếu nhiều người cùng góp sức theo cách của mình. Tôi sẽ làm shipper gạo không chuyên dài dài, như một cách cân bằng cuộc sống, với những trải nghiệm thú vị mới.”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ
Với tôi, shipper cũng là một cách dấn thân, làm gương cho nhân viên nỗ lực vượt khó, vượt qua bão dịch. Nhờ đó, tôi có thêm cơ hội trải nghiệm cuộc sống muôn mặt Sài Gòn. Muốn shipper giỏi cũng phải học. Bắt đầu từ việc dùng Google Map kết hợp “google mồm” hỏi đường tắt hẻm ngang, đến việc chất xếp gạo cho chuẩn, thời điểm vắng xe. Trước khi giao phải điện thoại hẹn giờ. Lỡ khách hàng bận hay không nghe điện thoại là chờ mệt nghỉ, có khi phải chở hàng về.
Phát hiện tôi là chủ một thương hiệu du lịch uy tín, có học trò và nhà báo trả lố tiền. Hỏi thì bảo em quên. Tôi biết các em cố tình nên sẽ gửi lại bằng gạo ngon. Có bạn già còn chụp hình lén, đưa lên phây “bình loạn”. Khi tôi ship gạo đến, anh C.L, cựu giám đốc một khu du lịch tầm cỡ thân quen, ngỡ ngàng “Anh làm tôi ngại ghê”. Chị Th cựu bộ trưởng nhắn tin “Thấy em vất vả, chị cảm động quá. Gạo ngon lắm, chị sẽ giới thiệu mọi người ủng hộ”. Nhà báo K.N bất ngờ, khi thấy tôi ship đến tòa soạn, dù chỉ 5 ký, đã viết lên phây những dòng cảm kích.
Ông Mỹ (trái) cùng nhân viên trải nghiệm tour 18km vào động Tú Làn- Quảng Bình
Có người đề nghị ship đi tỉnh, thậm chí đi Mỹ. Có bạn từ nước ngoài điện về nhờ ship gạo ngon cho người nhà. Làm việc gì, tôi cũng vui vẻ vì nghĩ mình như mọi người bình thường khác thôi. Gọi điện thoại mời mua gạo và báo trước “tôi sẽ làm shipper”, nhiều người tưởng tôi nói đùa. Khi tận mắt thấy, lắm người ái ngại, cảm thán, tôi phải phân bua “khách hàng VIP thì shipper cũng phải VIP!”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ từng là cán bộ Thành Ðoàn TPHCM, vào bộ đội tình nguyện sang Campuchia từ 1979-1983. Ra quân, ông tiếp tục học Ðại học Sư phạm Văn, tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Ðức. Năm 1995 ông sáng lập, làm Giám đốc Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt thuộc Thành Ðoàn TPHCM, năm 1999 tách ra mở doanh nghiệp riêng, nay là Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt. Từ 2012 tới nay, ông giao vị trí Giám đốc cho lớp trẻ, làm Chủ tịch công ty để có thêm nhiều thời gian đi và viết.
Hoàng Thiên Nga