Hồ sơ - Tư liệu

Chiến thắng Biên giới và sự thất bại của Kế hoạch Revers

13/05/2021
Với những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, Chiến dịch Biên giới và hoạt động tác chiến Thu-Đông năm 1950 có vị trí quan trọng đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
 
Bước sang năm 1949, tình hình quốc tế và Đông Dương có nhiều sự kiện bất lợi cho Pháp. Đầu năm 1949, căn cứ vào điều kiện thắng lợi trong nước, điều kiện quốc tế biến chuyển, Trung ương Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công... Tháng 8, Bắc Kạn được giải phóng, kế hoạch phong tỏa hoàn toàn biên giới của ta, khống chế hoàn toàn Căn cứ địa Việt Bắc của địch thất bại. Trong khi đó, cách mạng Trung Quốc thành công, ngày 1-10-1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Thực dân Pháp ở Đông Dương cũng như giới cầm quyền ở chính quốc rất lo lắng. Sau đó, một số nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta, đưa nước ta từng bước thoát khỏi thế bao vây trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
 

Về phía quân Pháp, tháng 7-1949, với sự đồng ý của Mỹ, Chính phủ Pháp đề ra Kế hoạch Revers, để tránh quân giải phóng Trung Hoa tiến xuống Hoa Nam là nguy cơ lớn đối với Pháp ở Đông Dương và “đưa cuộc chiến tranh Đông Dương vào khuôn khổ chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, dựa vào viện trợ của Mỹ mà củng cố lực lượng"... Revers lúc đó trực tiếp được cho sang kiểm tra chiến trường. Để đề ra những phương sách hòng cứu vãn tình hình, địch ra sức tăng viện và trút quân ra Bắc Bộ để làm nhiệm vụ “bảo vệ biên giới”; xúc tiến mạnh chính sách bù nhìn...; cấu kết và phụ thuộc vào bọn phản động quốc tế Mỹ... Ở Bắc Bộ: Lập hệ thống cứ điểm và đội ứng chiến lớn, tập trung một lực lượng dự bị tương đối quan trọng cho các chiến trường. Thực chất, kế hoạch của chúng ngày càng mất hẳn tính chất độc lập và ngày càng nặng về phòng ngự.
Với kế hoạch này, Mỹ từng bước can thiệp sâu và “dính líu” trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự câu kết chặt chẽ của Pháp với Mỹ khi: “Tổng tham mưu trưởng Revers đi chầu rìa Mỹ trước khi sang Việt Nam. Sau khi ở Việt Nam về, cũng đi chầu rìa Mỹ. Vâng lệnh Mỹ, tướng Revers đã đặt lại chương trình chinh phục Việt Nam... 1-Quân đội Pháp sẽ đóng giữ biên giới Hoa-Việt; 2-Tổ chức ngụy quân để phá kháng chiến...”. Ngày 7-2-1950, Mỹ công nhận Chính phủ Bảo Đại (thành lập tháng 7-1949); ngày 8-5-1950, Mỹ đồng ý viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp nhằm từng bước nắm quyền điều khiển trực tiếp chiến tranh ở Đông Dương.
Kế hoạch do tham mưu trưởng lục quân Pháp Revers vạch ra trình chính phủ và hội đồng quốc phòng Pháp thông qua là vẫn tăng cường phòng thủ biên giới, nhưng có sự điều chỉnh, tập trung vào trọng điểm, cố giữ đoạn Lạng Sơn-Móng Cái, còn từ Na Sầm trở lên, có thể rút bỏ; phải làm chủ khu chữ nhật lệch Thái Nguyên-Lạng Sơn-Hải Phòng-Hòa Bình. Chủ trương rút gọn phòng thủ biên giới bị nhiều nhà cầm quyền chủ chốt như cao ủy Pignon, tổng chỉ huy, tướng Carpentier và chỉ huy Bắc Bộ, tướng Alexandre phản đối. Họ thi hành kế hoạch trên một cách chậm chạp và cắt xén.
Người Pháp muốn dựa vào Mỹ nhưng lại mâu thuẫn trong chính giới Pháp về mức độ dựa vào Mỹ. Sức ép của dư luận Pháp về chiến tranh ngày một lớn. Người ta gọi đây là một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, và đối với chính phủ Pháp, là một cuộc “chiến tranh đáng xấu hổ, nhục nhã”. Quân tăng viện cho Đông Dương phải lén lút lên đường vào ban đêm; lính chết trận chở về Pháp phải giấu giếm... (Henri Navarre, Thời điểm của những sự thật).
Việc Pháp thực hiện kế hoạch Revers đã làm cho vùng tự do của ta bị thu hẹp, căn cứ địa Việt Bắc bị bao vây. Tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Ngày 7-7-1950, Bộ Tổng Tư lệnh ra Mệnh lệnh mở Chiến dịch Biên giới Cao-Bắc-Lạng lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II.
Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy; lực lượng tham gia gồm Đại đoàn 308 và 2 trung đoàn bộ binh (174 và 209), 4 đại đội sơn pháo, 5 đại đội công binh của Bộ Tổng Tư lệnh, 3 tiểu đoàn bộ đội chủ lực (426, 428 và 888) của Liên khu Việt Bắc cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích Cao Bằng, Lạng Sơn; với nhiều đại đội pháo, công binh, dân công mở đường vận chuyển 4.000 tấn lương thực, vũ khí, thuốc men phục vụ chiến dịch. Về phía quân Pháp trên tuyến phòng thủ Đường số 4 có 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh (phần lớn là lính Âu-Phi), tổ chức thành những cụm cứ điểm mạnh.
 
Ngày 2-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi về Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, đã khẳng định: “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Ngày 9-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào Cao-Bắc-Lạng: “Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao-Bắc-Lạng và cho cả toàn quốc”.
 
Chiến dịch Biên giới diễn ra ba đợt. Đợt 1, từ ngày 16 đến 20-9-1950, mở đầu bằng trận đánh vào cụm cứ điểm Đông Khê. Từ 6 giờ ngày 16-9-1950, trận đánh bắt đầu. Đến 10 giờ ngày 18-9-1950, quân ta làm chủ trận địa ở đây. Với chiến thắng tại trận Đông Khê, quân ta đã phá tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Đường số 4 của quân đội Pháp. Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập.
Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho quân ta tiếp tục mở Đợt 2 của chiến dịch từ ngày 21-9 đến ngày 8-10-1950, trận đánh lớn then chốt quyết định tiêu diệt hai binh đoàn Le Page và Charton. Ngày 6-10-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Điện gửi các chiến sĩ Mặt trận Cao-Bắc-Lạng, Người đã khen ngợi: “Trong chiến dịch này, toàn thể bộ đội và nhân dân ta đã rất cố gắng, đã gây được thành tích khá, như giải phóng Đông Khê, bắt địch phải rút khỏi Cao Bằng. Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng.” và khích lệ bộ đội, chiến sĩ ta lập công để quyết giật cho được giải thưởng anh hùng Cao-Bắc-Lạng.
Sau khi hai binh đoàn trên bị tiêu diệt, cộng thêm sai lầm của việc tiến công lên Thái Nguyên, dẫn đến nguy cơ sụp đổ toàn bộ Liên khu Biên giới đã gây nên nỗi kinh hoàng cho binh lính cũng như Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Để tăng cường lực lượng cho Thất Khê, cứu nguy cho sự sụp đổ của liên khu, quân Pháp ở đây khẩn thiết xin cứu viện.
 
Về phía quân ta, thấy ở Thất Khê địch có những triệu chứng hoang mang và chúng có thể rút chạy, là điều kiện thuận lợi cho Bộ chỉ huy chiến dịch mở tiếp Đợt 3 của chiến dịch từ ngày 9 đến 14-10-1950. Đêm 8-10-1950, ta diệt đồn Bản Trại. Đêm 9-10, Đại đội Công binh 309 thuộc tiểu đoàn công binh của Đại đoàn 308 phối hợp với Tiểu đoàn 426 đánh sập cầu Bản Trại bắc ngang sông Kỳ Cùng. Đến đây, bộ chỉ huy Pháp nhận ra rằng, không chỉ riêng Thất Khê, mà toàn bộ hệ thống phòng ngự còn lại của chúng trên Đường số 4 cũng không sao chống đỡ nổi trước đà tiến công vũ bão của quân ta, nên đã đi đến quyết định phải nhanh chóng rút bỏ Thất Khê, sau đó là Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, Lạng Giang, An Châu... Tới trung tuần tháng 10-1950, tức là gần 1 tháng, nếu tính tới ngày ta vào Lạng Sơn thì Chiến dịch Biên giới kết thúc.
 
Ngay khi Chiến dịch Biên giới giành được thắng lợi, ngày 14-10-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi đồng bào Cao-Bắc-Lạng nhân dịp chiến thắng trên chiến trường Biên giới. Người đã viết: “Chúng ta đã thắng to trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng. Có cuộc thắng lợi đó là vì đồng bào ba tỉnh ta rất hăng hái tham gia kháng chiến”.
 
NGUYỄN VĂN BIỂU - BÁO QĐND

Đọc nhiều nhất

Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông CCB Đồng Nai

Địa chỉ: 537 Võ Nguyên Giáp, KP Tân Cang, P. Phước Tân,
TP. Biên Hòa, T. Đồng Nai

Hotline: 0967 893  393 (TGĐ Bùi Quang Hợp)

Điện thoại: 0983 79 77 38  - 0979 470 586
E-mail: truyenthongccb.dn@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Bùi Quang Hợp 

Liên hệ quảng cáo

Điện thoại:

       0967 893 393 Quang Hợp 

       0979 470 586  Kim  Tuyến 
E-mail: truyenthongccb.dn@gmail.com

Copyright (c) 2021 by ccbdongnai.com